Bộ Xây dựng công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV năm 2022 và cả năm 2022
Ngày 19/01/2023, Bộ Xây dựng đã có Thông cáo 12/TC-BXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV năm 2022 và cả năm 2022.

Tình hình thị trường bất động sản quý IV năm 2022 gồm các nội dung sau:

1. Về số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai và đã hoàn thành

1.1. Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại

Trên cả nước trong quý IV/2022 có 22 dự án với 5.995 căn được cấp phép, (số lượng dự án bằng khoảng 61,1% so với quý III/2022 và bằng khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2021); có 466 dự án với 228.029 căn đang triển khai xây dựng (số lượng dự án bằng khoảng 40,6% so với quý III/2022 và bằng khoảng 44,6% so với cùng kỳ năm 2021); có 28 dự án với 3.258 căn đã hoàn thành xây dựng, (bằng khoảng 164,7% so với quý III/2022 và bằng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó:

+ Tại miền Bắc có 12 dự án với 218 căn được cấp phép; có 182 dự án với 139.841 căn đang triển khai xây dựng; có 08 dự án với 692 căn đã hoàn thành xây dựng.

+ Tại miền Trung có 06 dự án với 1.930 căn được cấp phép; có 63  dự án với 19.572 căn đang triển khai xây dựng; có 08 dự án với 149 căn hoàn thành xây dựng.

+ Tại miền Nam có 04 dự án với 3.847 căn được cấp phép; có 221 dự án với 68.616 căn đang triển khai xây dựng; có 12 dự án với 2.417 căn hộ hoàn thành xây dựng.

1.2. Đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Trong quý IV, cả nước có 01 dự án nhà ở thu nhập thấp với 986 căn được cấp phép mới tại Quảng Ninh; có 05 dự án với 2.106 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng; có 401 dự án với khoảng 454.360 căn hộ đang triển khai xây dựng, với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

1.3. Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng

Dự án được cấp phép có 04 dự án mới với 196 căn hộ du lịch, 08 biệt thự du lịch, tại tỉnh Phú Yên và tỉnh Cao Bằng (trong đó: Phú Yên có 03 dự án; Cao Bằng có 01 dự án), số lượng dự án bằng khoảng 200% so với quý III và bằng khoảng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng có 126 dự án với 19.922 căn hộ du lịch, 4.282 biệt thự du lịch, 282 văn phòng kết hợp lưu trú (số lượng dự án bằng khoảng 221% so với quý III và bằng khoảng 237% so với cùng kỳ năm 2021), tập trung chủ yếu tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Khánh Hòa (trong đó: Kiên Giang có 79 dự án;  Khánh Hòa có 26 dự án).

Dự án đã hoàn thành xây dựng có 06 dự án (số lượng dự án bằng khoảng 67% so với quý III và bằng khoảng 86% so với cùng kỳ năm 2021) với 2.251 căn hộ du lịch, 241 biệt thự du lịch và 247 văn phòng kết hợp lưu trú, đều tập trung tại tỉnh Phú Thọ.

2. Về nguồn cung nhà ở, bao gồm căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền

2.1. Về số lượng dự án và căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai

Trên cả nước trong quý IV/2022 có 59 dự án (số lượng dự án bằng khoảng 103,5% so với quý III và bằng khoảng 61,5% so với cùng kỳ năm 2021) với 9.507 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng, trong đó:

- Tại miền Bắc có 21 dự án với 3.412 căn hộ;

- Tại miền Trung có 11 dự án với 1.787 căn hộ;

- Tại miền Nam có 27 dự án với 4.308 căn hộ;

- Riêng tại thành phố Hà Nội có 04 dự án với 716 căn hộ, tại thành phố Hồ Chí Minh có 06 dự án với 1986 căn hộ.

2.2. Về số lượng các dự án bất động sản, số lượng nhà ở, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú do cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã thẩm định

Số lượng bất động sản do cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã thẩm định cụ thể như sau: Nhà ở có 1.870 căn (bằng khoảng 56,5% so với quý III và bằng khoảng 90,4% so với cùng kỳ năm 2021); Căn hộ du lịch: 350 (quý III và cùng kỳ năm 2021 là 0 căn); Biệt thự du lịch: 80 căn (quý III và cùng kỳ năm 2021 là 0 căn); Văn phòng kết hợp lưu trú (officetel): 0 căn (quý III là 450 căn; cùng kỳ năm 2021 là 0 căn).

2.3. Về số lượng dự án bất động sản, số lượng nhà ở, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú do cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng

Có 19 dự án do cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, cụ thể như sau: Nhà ở có 13.119 căn (bằng khoảng 152% so với quý III/2022); Căn hộ du lịch có 21 căn (bằng khoảng 2% so với quý III/2022); Biệt thự du lịch: 0 căn (quý III là 0 căn); văn phòng kết hợp lưu trú (officetel): 0 căn (quý III là 0 căn).

3. Về lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền

Theo tổng hợp số liệu từ các địa phương có báo cáo, lượng giao dịch bất động sản quý IV/2022 cụ thể như sau:

- Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công là 14.349 giao dịch (bằng khoảng 28% so với quý III/2022), trong đó: tại miền Bắc có 3.821 giao dịch; tại miền Trung có 5.968 giao dịch; tại miền Nam có 4.560 giao dịch; riêng tại thành phố Hà Nội có 454 giao dịch thành công, tại thành phố Hồ Chí Minh có 1.986 giao dịch thành công.

- Lượng giao dịch đất nền thành công là 149.197 giao dịch (bằng khoảng 130% so với quý III/2022), trong đó: tại miền Bắc có 29.402 giao dịch; tại miền Trung có 32.579 giao dịch; tại miền Nam có 87.216 giao dịch thành công.

4. Về giá nhà ở một số loại bất động sản

4.1. Đối với căn hộ chung cư

Trong quý IV, giá giao dịch bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm: căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) không tăng so với quý trước. Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất,… nhằm kích cầu thị trường. Giá giao dịch cụ thể tại một số dự án như sau:

Căn hộ bình dân (có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2): Các dự án có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh rất ít: Dự án BID Residence thuộc khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Tp.Hà Nội) có giá bán khoảng 22-24 triệu đồng/m2;  Dự án Dự án VP6 Linh Đàm (Hoàng Mai, Tp.Hà Nội) có giá khoảng 22,13 triệu đồng/m²; Dự án The Golden An Khánh (Hoài Đức, Tp.Hà Nội) có giá khoảng 23,18 triệu đồng/m²; Dự án Đặng Xá 2 (Gia Lâm, Tp.Hà Nội) có giá khoảng 24 triệu đồng/m²; Dự án căn hộ chung cư  Đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7, Tp.Hồ Chí Minh) có giá khoảng 24,62 triệu đồng/m²; Dự án Sài Gòn Gateway (Quận 9, Tp.Hồ Chí Minh) có giá khoảng 24,62 triệu đồng/m²; Dự án The Era Town (Quận 7, Tp.Hồ Chí Minh) có giá khoảng 23,58 triệu đồng/m².

- Căn hộ trung cấp (có mức giá khoảng từ 25 triệu/mđến 50 triệu/m2): Tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có nhiều dự án được chào bán thuộc phân khúc trung cấp, cụ thể như: Dự án Anland Lake View thuộc khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Tp.Hà Nội) có giá bán dự kiến khoảng 30 triệu đồng/m2; Dự án Sunshine Boulevard (Thanh Xuân, Tp.Hà Nội) có giá bán dự kiến từ 34 triệu đồng/m2; Dự án Imperia River View (Long Biên, Tp.Hà Nội) có giá bán từ 40 triệu đồng/m2; Dự án Sun Village Apartment (Bình Thạnh, Tp.Hồ Chí Minh) có giá khoảng 40 triệu đồng/m²; Dự án 4S Riverside Linh Đông (Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh) có giá khoảng 30,99 triệu đồng/m²; Dự án Sunrise City (Quận 7, Tp.Hồ Chí Minh) có giá khoảng 39,62 triệu đồng/m².

- Căn hộ cao cấp (có mức giá trên 50 triệu): Tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có nhiều dự án mới được chào bán, quảng cáo với mức giá cao, cụ thể như: Dự án Masterise Waterfront thuộc khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Tp.Hà Nội) có giá bán từ 60-70 triệu đồng/m2; Dự án Masteri West Heights thuộc khu đô thị Vinhomes Smart City (Tây Mỗ, Tp.Hà Nội) có giá bán từ 70-80 triệu đồng/m2; Dự án Moonlight 1 - An Lạc Green Symphony (Hoài Đức, Tp.Hà Nội) có mức giá khởi điểm từ 50 triệu đồng/m2; Dự án  căn hộ chung cư Celadon City (Tân Phú, Tp.Hồ Chí Minh) có giá khoảng 80 triệu đồng/m²; Dự án Masteri Thảo Điền ( Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh) có giá khoảng 57,25 triệu đồng/m²; Dự án Empire City Thủ Thiêm (Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh) có giá khoảng 105-221 triệu đồng/m².

4.2. Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền

Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ, đất nền trong các dự án tại nhiều địa phương trong năm 2022 tăng cao trong hai quý đầu năm và giảm dần về cuối năm. Trong quý IV, giá giao dịch bình quân nhà ở riêng lẻ, đất nền cơ bản không tăng so với quý trước; cá biệt có một số dự án tại một số khu vực có xu hướng giảm nhưng không nhiều.

- Tại thành phố Hà Nội: Dự án khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông) nhà liền kề có giá khoảng 145 triệu đồng/m2; Dự án Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) nhà biệt thự có giá khoảng 180 triệu đồng/m2; Dự án khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra (Tây Hồ) nhà biệt thự có giá khoảng 284 triệu đồng/m2; Dự án khu đô thị Chi Đông (Mê Linh) đất nền có giá khoảng 22 triệu đồng/m2.

- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Dự án khu đô thị Lakeview City (Quận 2) nhà liền kề có giá khoảng        152 triệu đồng/m2; Dự án khu đô thị Vạn Phúc City (Thủ Đức) nhà liền kề có giá khoảng 182 triệu đồng/m2; Dự án Nine South Estates (Nhà Bè) nhà biệt thự có giá khoảng 121 triệu đồng/m2; Dự án Verosa Park Khang Điền (Quận 9) nhà biệt thự có giá khoảng 147 triệu đồng/m2; Dự án khu đô thị An Phú - An Khánh (Quận 2) đất nền có giá khoảng 185 triệu đồng/m2.

- Tại tỉnh Bình Dương: Dự án Sun Casa Central (Thủ Dầu Một) nhà liền kề có giá khoảng 32 triệu đồng/m2; Dự án VSIP I Bình Dương (Thuận An) nhà liền kề có giá khoảng 48 triệu đồng/m2; Dự án The Oasis Riverside (Bến Cát) nhà biệt thự có giá khoảng 40 triệu đồng/m2; Dự án Sun Casa Central (Tân Uyên) nhà biệt thự có giá khoảng 31 triệu đồng/m2; Dự án khu đô thị Bình Nguyên (Dĩ An) đất nền có giá khoảng 38 triệu đồng/m2.

4.3. Đối với bất động sản công nghiệp

Bất động sản công nghiệp được ghi nhận là điểm sáng của thị trường bất động sản năm 2022 với tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên cả nước có xu hướng tăng, đạt khoảng trên 80%, trong đó tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam đạt cao nhất cả nước, đạt khoảng 85%. Một số khu công nghiệp tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Tỉnh Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước, với 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%.

Giá thuê tăng khoảng 10% so với kỳ trước, trung bình 100-120 USD/m2/chu kỳ thuê và có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam do nguồn cung hạn chế. Trong đó:

Giá thuê trung bình trong các khu công nghiệp tại thành phố Hà Nội và các tỉnh miền Bắc trong khoảng từ 90-120 USD/m2/chu kỳ thuê.

Giá thuê trung bình trong các khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam trong khoảng từ 100-300 USD/m2/chu kỳ thuê. Trong đó, giá thuê trung bình tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng từ 180-300 USD/m2/chu kỳ thuê, cao nhất cả nước.

4.4. Đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Trong quý IV/2022, giá bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) tại hầu hết các dự án đang mở bán vẫn giữ nguyên mức giá của quý III/2022. Nhiều chủ đầu tư tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất,… nhằm kích cầu thị trường. Cụ thể:

- Tại tỉnh Quảng Ninh: Dự án Grand Bay Hạ Long, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 118 triệu đồng/m2, nhà phố thương mại (shophouse) có giá khoảng 120 triệu đồng/m2; Dự án The Holiday Hạ Long, căn hộ du lịch (condotel) có giá khoảng 36 triệu đồng/m2.

- Tại tỉnh Khánh Hòa: Dự án Ocean Front Villas, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 107 triệu đồng/m2; Dự án NovaWorld Nha Trang, nhà phố thương mại (shophouse) có giá khoảng 83 triệu đồng/m2; Dự án Vega City Nha Trang, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 137 triệu đồng/m2.

- Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Dự án NovaWorld Hồ Tràm, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 66 triệu đồng/m2, nhà phố thương mại (shophouse) có giá khoảng 100 triệu đồng/m2; Dự án Ixora Hồ Tràm, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 69 triệu đồng/m2, căn hộ du lịch (condotel) có giá khoảng 52 triệu đồng/m2.

4.5. Đối với bất động sản văn phòng cho thuê

Giá cho thuê văn phòng bình quân toàn thị trường ở thời điểm quý IV/2022 tăng khoảng 10% so với thời điểm cuối năm 2021. Giá tăng trên cả hai phân khúc, chủ yếu đến từ các tòa nhà mới chất lượng cao đã đạt đủ tỷ lệ lấp đầy. Cụ thể:

Tại thị trường thành phố Hà Nội, văn phòng hạng A có giá thuê ròng đạt khoảng 30 USD/m2/tháng; văn phòng hạng B có giá đạt khoảng 15,2 USD/m2/tháng, tăng 0,9% so với quý III, nhờ có thêm nguồn cung mới chất lượng.

Tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, văn phòng hạng A có giá thuê trung bình đạt khoảng 48 USD/m2/tháng; văn phòng hạng B có giá thuê trung bình đạt khoảng 33,5 USD/m2/tháng. Giá thuê văn phòng ở khu vực ngoài trung tâm đạt khoảng 22,5 USD/m2/tháng, tăng khoảng 4% so với quý III, nhờ nguồn cung mới chất lượng.

Xu hướng dịch chuyển địa điểm thuê văn phòng hạng A tại khu vực trung tâm tới các tòa nhà văn phòng hạng B, C có chất lượng tốt, giá cả thấp hơn và dịch chuyển vị trí thuê ra ngoài khu vực trung tâm vẫn diễn ra trong năm 2022. Tuy nhiên không rõ rệt như thời điểm năm 2020-2021.

Tình hình thị trường bất động sản cả năm 2022

1. Về nguồn cung bất động sản

Trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế, cụ thể như sau:

1.1. Về số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành

- Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại: Cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021); có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng (bằng khoảng 47,7% so với năm 2021); có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (bằng khoảng 55,2% so với năm 2021). Thể hiện ở bảng sau:

- Đối với dự án nhà ở xã hội: Trên cả nước có 09 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.

- Đối với dự án nhà ở công nhân: Trên cả nước có 02 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có 01 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 04 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.

- Đối với dự án du lịch, nghỉ dưỡng: Trên cả nước có 12 dự án được cấp phép, số lượng dự án bằng khoảng 23% so với năm 2021; có 30 dự án đã hoàn thành xây dựng.

1.2. Về số lượng dự án và căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai

Trên cả nước có 252 dự án với 65.909 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng (giảm gần 50.000 căn hộ và bằng khoảng 58% so với năm 2021).

2. Về lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền

Trên cả nước có 785.637 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó: lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công là 154.756 giao dịch; lượng giao dịch đất nền thành công là 630.881 giao dịch; riêng tại thành phố Hà Nội có 7.662 giao dịch thành công, tại thành phố Hồ Chí Minh có 10.780 giao dịch thành công.

Tổng lượng giao giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công bằng khoảng 138,6% so với năm 2021; Bảng tổng hợp cho thấy lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong các quý trong năm 2022 không ổn định, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công tăng cao nhất vào quý II sau đó giảm và thấp nhất vào quý IV.

Tổng lượng giao dịch đất nền thành công bằng khoảng 370% so với năm 2021; Bảng tổng hợp cho thấy lượng giao dịch đất nền thành công trong các quý năm 2022 không ổn định, lượng giao dịch đất nền tăng mạnh nhất trong quý I, quý II sau đó giảm mạnh trong quý III, tăng nhẹ trong quý IV so với quý III.  

3. Về tình hình cấp tín dụng và phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản

3.1. Về tình hình cấp tín dụng bất động sản

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tính đến 31/12/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là ~800.000 tỷ đồng, cụ thể như sau:

- Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Số liệu về dư nợ tín dụng năm 2022

ĐVT: tỷ đồng

Qua số liệu trên cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng.

3.2. Về tình hình phát hành trái phiếu

Trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Tính đến 28/10/2022 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành; đứng thứ 2 trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% (451.159 tỷ đồng) trong tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại thời điểm 30/9/2022. Trong 02 tháng cuối năm 2022, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó, 99,6% trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản có tài sản bảo đảm. Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã phát hành 1.350 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 500 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,6%).

Trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

4. Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản

Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, nguồn vốn ngoại (FDI) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%, chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong dài hạn.

Theo đánh giá của đại diện Savills Việt Nam (ông Troy Griffiths-Phó tổng Giám đốc): “Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh, tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn”.

5. Về lượng tồn kho bất động sản

Tổng hợp đến cuối năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công là 150.268 giao dịch, nguồn cung bất động sản có 63.405 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đưa vào giao dịch. Qua đánh giá cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường năm 2022 tốt hơn năm 2021. Nhìn chung, trong năm 2022, số lượng bất động sản, nhà ở trong các dự án mới đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế, chủ yếu các sản phẩm bất động sản đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán. Trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao; các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho và có tính thanh khoản tốt. Hiện nay, lượng tồn kho bất động sản hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.

6. Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản:

6.1. Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản năm 2022

Theo số liệu thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó:

- Số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng khoảng 13,7%;

- Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 56,7%.

- Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, vẫn là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý (như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại. Nhìn chung, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, do:

- Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.

- Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế.

- Khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.

- Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.

6.2. Tình hình hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản:

Với sự khởi sắc của thị trường bất động sản trong giai đoạn đầu năm 2022 (từ quý I đến đầu quý III), hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản cũng đã dần trở lại bình thường, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng hơn nhiều so với năm 2021 do đó hầu hết các sàn giao dịch đã trở lại hoạt động; đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập, hoạt động, hiện có khoảng hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản hoạt động.

Trước các diễn biến phức tạp của nền kinh tế, từ giữa quý III đến cuối năm 2022, hoạt động của các sàn giao dịch có dấu hiệu khó khăn hơn, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời gian đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.

Để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, nhiệm vụ sau:

1. Nhiệm vụ chung

(1) Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục khẩn trương, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững; Thông báo Kết luận số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở và các Nghị quyết, Công điện, Kết luận, văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có tác động trực tiếp hoặc tác động tương hỗ đến thị trường bất động sản.

(2) Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thủ tục pháp lý các dự án bất động sản.

(3) Các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản.

2. Đối với các Bộ, ngành

2.1. Bộ Xây dựng

(1) Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

(2) Nghiên cứu đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển  khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị;

(3) Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ;

(4) Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030";

(5) Nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ hợp thứ 5 tháng 5/2023, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

b) Bộ Tài chính

(1) Trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;

(2) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo đúng quy định pháp luật;

(3) Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

(1) Trình Chính phủ ban hànhNghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

(2) Nghiên cứu hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định, pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản.

đ) Bộ Công an

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản và hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

e) Bộ Thông tin và Truyền thông

(1) Tập trung chỉ đạo kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường, nhất là các thông tin ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế;

(2) Phối hợp với các Bộ, ngành tăng đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, chính xác qua đó ổn định tâm lý, ổn định thị trường.

g) Thanh tra Chính phủ

Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan chức năng có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện ngay các kết luận thanh tra, kiểm tra, đồng thời phân rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện.

h) Ngân hàng nhà nước Việt Nam

(1) Xem xét, đề xuất phương án điều hành trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng;

(2) Hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ .

3. Đối với các địa phương

(1) Các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường;

(2) Đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc trậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường bất động sản;

(3) Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội  và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”;

(4) Thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn;

(5) Ban hành quy định cụ thể, theo thẩm quyền để triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về đất đai, nhà ở như: về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách diện tích đất thuộc thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP; hệ số k bồi thường khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo điều kiện cụ thể của địa phương quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 69/2021/NĐ-CP.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Thông cáo 12/TC-BXD.