Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại họp báo.
Chiều 03/6, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin về hiện tượng một số dự án nhà ở xã hội đang triển khai tại một số địa phương có đối tượng tranh thủ sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường trục lợi qua việc mua, bán nhà ở xã hội khiến người thu nhập thấp, có nhu cầu thực sự khó tiếp cận nguồn hàng và nếu có tiếp cận được thì phải chấp nhận mua giá rất cao, qua tay “cò” nhà ở xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong thời qua, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhằm đảm bảo người thu nhập thấp có nhà để ở, đảm bảo an sinh, do đó Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội trên cả nước.
Hiện nay, pháp luật về nhà ở xã hội đã quy định rất rõ các đối tượng được mua nhà ở xã hội, gồm các nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các đô thị; người lao động hoạt động trong các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp; sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong quân đội nhân dân, công an nhân dân; cán bộ công chức, viên chức; các đối tượng phải trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất đã bị phá dỡ nhà ở, thu hồi đất ở nhưng chưa nhà nước bồi thường nhà ở, đất ở.
Các đối tượng nêu trên phải đáp ứng các điều kiện theo quy định như: Chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân nhỏ hơn 10m2/người và phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và có xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án đầu tư nhà ở xã hội; và thu nhập phải không thuộc đối nộp thuế thu nhập cá nhân tức là mức thu nhập dưới 11 triệu đồng sau khi giảm trừ gia cảnh và một điều kiện rất quan trọng nữa đó là mỗi cá nhân chỉ được giải quyết mua nhà ở xã hội 1 lần.
Về trình tự tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội thì chủ đầu tư nhà ở xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ người dự kiến mua nhà ở xã hội và gửi cho Sở Xây dựng, sau đó Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát danh sách các đối tượng dự kiến mua nhà ở xã hội để giải quyết việc mua và thuê mua nhà ở xã hội và sở sẽ cập nhập danh sách người đủ điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội lên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đảm bảo công khai, minh bạch.
Sau khi xác định được danh sách các đối tượng được mua thì tiến hành bốc thăm công khai.
Quang cảnh họp báo Chính phủ tháng 5
Tuy nhiên, thời gian qua tại một số dự án tại một số địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… cũng có hiện tượng tranh thủ sự khan hiếm của nhà ở xã hội nên có một số đối tượng trung gian cò mồi, rao mua bán nhằm trục lợi. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản gửi đến các địa phương xảy ra hiện tượng nói trên đề nghị kiểm tra, rà soát lại, làm rõ từ đó có giải pháp kịp thời khắc phục, xử lý, nếu phát hiện thấy sai thì phải thu hồi những trường hợp bán không đúng đối tượng.
Về lâu dài, thì Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, địa phương đang rất tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, đồng thời Bộ Xây dựng tiếp tục báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội và đặc biệt là thúc đẩy thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội trên cả nước để tăng nguồn cung, giảm sự khan hiếm nhằm đáp ứng nhu cầu về mua, thuê mua nhà ở xã hội của người dân.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các địa phương công bố, công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng được mua nhà ở xã hội. Đồng thời tiếp tục quản lý chặt chẽ, theo dõi, quản lý, giám sát việc mua bán nhà ở xã hội và cuối cùng là yêu cầu các địa phương tổ chức thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về mua bán nhà ở xã hội trái quy định và kiên quyết thu hồi những trường hợp mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng. Yêu cầu các chủ đầu tư, doanh nghiệp phải xác định đúng đối tượng đủ điều kiện mua bán nhà ở xã hội theo đúng quy định pháp luật và chủ đầu tư phải thường xuyên giám sát các trường hợp đã mua trong nhưng có giao dịch bán lại không đúng quy định trong thời hạn 5 năm (theo quy định sau khi ký hợp đồng mua trong vòng 5 năm thì chủ sở hữu nhà ở xã hội không được bán lại).